Như mọi năm, đường hoa Bạch Đằng sẽ là điểm nhấn trang trí của TP Đà Nẵng trong dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, truyền thống và hiện đại là cảm hứng chủ đạo trong xây dựng tuyến đường hoa Bạch Đằng và hệ thống đèn trang trí của thành phố bên sông Hàn.
Đường hoa hội nhập
Đường Bạch Đằng từ Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Đà Nẵng đến đoạn giao với đường Lê Văn Duyệt sẽ bừng lên sắc hoa tươi thắm dựa trên ý tưởng TP Đà Nẵng sẽ là con thuyền hoa theo dòng sông Hàn vươn ra biển lớn.
Người thưởng ngoạn sẽ dễ dàng nhận ra hình ảnh con thuyền truyền thống chở theo những bụi hồng tiểu muội, đỗ quyên, hoa ban mai, ly ly… Điểm nhấn của đường hoa sẽ tập trung tại đoạn giao giữa đường Bạch Đằng và các tuyến đường khác với mật độ hoa dày hơn và các tiểu cảnh mọc lên với 11 mô hình hoa: gánh xuân, mang hoa xuống núi, thảm hoa, đèn hoa, cánh bướm mùa xuân…
Bầu trời sao trên đường Lê Duẩn - Ảnh: Nguyễn Tú
Tính cổ truyền của đường hoa được bện nên bởi các chất liệu như dây thừng, những thân tre, nứa cùng với những chiếc nón tạo nên hình dáng các thiếu nữ với đôi quang gánh trên vai gánh mùa xuân nhịp bước đi về. Tạo nền cho hình tượng đôi quang gánh là những thảm hoa như hồng Đà Lạt, cúc pha lê, vạn thọ…
Những người yêu thích sinh vật cảnh hoặc mê chụp ảnh cũng có thể tạo dáng tại hai vườn tượng được dựng lên tại hàng lang đường Bạch Đằng, đoạn trước Kho bạc Nhà nước TP Đà Nẵng và cổng sau chợ Hàn.
Đây là nơi trưng bày các tác phẩm đá mỹ nghệ Non Nước của các cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ và các tác phẩm bonsai, tiểu cảnh của Hội sinh vật cảnh TP Đà Nẵng.
Hàng vạn bóng đèn thắp sáng con đường Lê Duẩn - Ảnh: Nguyễn Tú
Ngoài ra, trên địa bàn quận Hải Châu, chợ hoa xuân Tết Canh Dần được bố trí tại khu vực tượng đài Hai Tháng Chín từ ngày 5.2 (nhằm ngày 22 tháng Chạp) đến ngày 13.2 (nhằm ngày 30 tháng Chạp) và khu vực tập trung phong lan, mai, đào cành, cá cảnh được quy định tại quảng trường Nhà hát Trưng Vương TP Đà Nẵng.
Đường Bạch Đằng bừng lên sắc màu thịnh vượng - Ảnh: Nguyễn Tú
Ngoài ra, các quận huyện lân cận cũng có thể tổ chức chợ hoa tại các khu vực được quy định như: Chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), trước Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Sơn Trà, chợ Hòa Hải và khu dân cư Nam cầu Trần Thị Lý (quận Ngũ Hành Sơn); Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Cẩm Lệ, chợ Túy Loan và chợ Hòa Tiến (huyện Hòa Vang).
Dạ tiệc ánh sáng
UBND TP Đà Nẵng đã đầu tư và vận động các đơn vị tài trợ hơn 6,5 tỉ đồng để "biến" thành phố trở thành một “dạ tiệc ánh sáng” trong dịp mừng mùa xuân mới.
Thành phố bên sông Hàn - Ảnh: Nguyễn Tú
Không chỉ dừng lại ở việc trang trí các dây đèn nhấp nháy và các cụm đèn hắt sáng tạo hiệu ứng hình khối của các công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố như trụ sở UBND TP Đà Nẵng, bảo tàng Chăm, năm nay, Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng TP Đà Nẵng đưa ra nhiều mẫu mã trang trí mới cho phố đêm Đà Nẵng.
Phía trước trụ sở UBND TP Đà Nẵng - Ảnh: Nguyễn Tú
Cùng với ý tưởng “thuyền ra biển lớn”, những chuỗi đèn trên không gian đường Bạch Đằng được “uốn mềm” như những dải lụa và những cơn sóng cuộn. Nếu gam màu lạnh như xanh lá, trắng đóng vai trò chủ đạo trên đường Lê Duẩn, thì đường Bạch Đằng ấm áp với gam màu nóng như đỏ, hồng, vàng, tím…
Những chiếc đèn lồng đỏ vắt vẻo rực rỡ trên những nhành cây cùng với hàng trăm đoạn đèn liễu rũ tạo cho cung đường này một không gian đầy sắc màu thịnh vượng.
Cầu Thuận Phước - Ảnh: Nguyễn Tú
Ngoài ra, từ trước Giáng sinh năm 2009, “bầu trời sao” trên đường Lê Duẩn đoạn từ cầu sông Hàn đến đoạn giao với đường Nguyễn Thị Minh Khai đã lung linh khoe sắc.
Cầu sông Hàn - Ảnh: Nguyễn Tú
Năm ngoái, “bầu trời sao” được giăng ngang theo dây cáp căng trên các trụ đèn đường, còn năm nay, gần 35.000 mét dây đèn trang trí được phủ dọc tuyến và treo trên 30 trụ vòm hình lưỡi liềm được đính 1.560 ngôi sao lớn giăng từ vỉa hè ra không gian trên cao giữa lòng đường.
Ngoài hàng ngàn chấm đèn trắng lấp lánh như những ngôi sao đêm, đường Lê Duẩn còn có hàng vạn bóng đèn xanh phủ kín bầu trời.
Nguyễn Tú (TNO)
Đăng nhận xét