Đến với Tây Bắc là đến với các phiên chợ vùng cao để được đắm mình trong sắc màu của trang phục, hàng hóa... cùng những âm thanh sống động của cuộc sống người dân tộc thiểu số hiền hòa nơi đây. Và đã đến với các phiên chợ vùng cao, du khách không thể bỏ qua Cán Cấu.
Nơi bán quần áo, vải vóc là khu vực đẹp nhất, thu hút du khách nhất khi đến với Cán Cấu - Ảnh: Huỳnh Thu Dung
Cách Sa Pa khoảng 140km, Cán Cấu thuộc huyện Simacai của tỉnh Lào Cai, giáp giới với Trung Quốc
Cán Cấu là một trong những chợ xa nhất - nếu du khách khởi hành từ Sa Pa - và cũng là chợ phiên đẹp nhất, phản ánh sinh động nhất đời sống của đồng bào vùng cao.
Trước đây chợ họp trên những triền núi đá dựng đứng chen lẫn với những thửa ruộng bậc thang bốn mùa đổi màu thật đẹp nhưng quá xa xôi hẻo lánh, ít người biết đến. Gần đây, tỉnh lộ 153 được hoàn tất nối Bảo Thắng với Bắc Hà rồi dẫn thẳng đến Simacai. Từ đó chợ Cán Cấu dời ra sát đường nhựa, người đến mua bán trao đổi hàng hóa cũng như tham quan dạo chơi đông vui hơn xưa rất nhiều.
Để được tham quan phiên chợ một cách trọn vẹn nhất, phải khởi hành từ rất sớm ở Lào Cai. 4g30 sáng tôi đã bươn bả lên đường, thế mà đến cửa ngõ chợ đã thấy hàng chục xe du lịch san sát nhau. Nhiều du khách nước ngoài còn khởi hành sớm hơn để được ngắm nhìn và cảm nhận phiên chợ trọn vẹn hơn.
Chợ Cán Cấu họp vào thứ bảy hằng tuần. Trước đây đến chợ phần đông là người Mông và người Giáy, nhưng gần đây giao thông thuận lợi, người Dao, người Hà Nhì, người Tày cũng tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa. Dù được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến nhưng Cán Cấu vẫn giữ được bản sắc của một chợ phiên vùng cao. Không có ngôn ngữ chung ở đây, người dân tộc nào đến chợ dùng tiếng nói của dân tộc đó, rất ít người biết tiếng Kinh và nếu phải trao đổi với nhau thì cố gắng ra hiệu hoặc dùng thứ tiếng thông dụng hơn cả là tiếng Mông.
Chợ họp từ đường nhựa kéo dài đến một thung lũng với năm khu vực mua bán: gia súc, quần áo vải vóc, nhu yếu phẩm, thảo quả, rau củ và các sản vật địa phương. Có những người đến chợ chỉ với một túi ớt, vài trái bí, mướp hay một nhúm rau vừa hái sau vườn nhà, đơn giản bởi họ đến chợ phiên không phải chỉ để buôn bán mà là thói quen, niềm vui, là những mong ước bình dị của bất cứ ai sinh sống ở vùng núi cao vực sâu này.
Khu vực ăn uống luôn đông vui. Ở hàng mía lúc nào cũng nườm nượp người mua kẻ bán, các cô gái cứ cầm cả cây mía dài và tước dần cho đến lóng cuối cùng, không cần dao róc. Kem cũng là một món khoái khẩu ở chợ phiên. Tại các hàng ăn, người bán hàng tay không ngớt xẻ thịt, trụng bánh phở, rót rượu, mời mọc khách... Bánh đúc ngô, thắng cố và phở có lẽ được ưa chuộng hơn cả. Dưới triền đồi thoai thoải là chợ gia súc, gia cầm với chủ yếu đàn ông tham gia mua bán.
Khoảng không gian đầy ắp những sắc màu đặc trưng của vùng cao Tây Bắc, nơi thu hút mọi người tìm đến nhiều nhất là khu vực bán váy áo và vải vóc. Những chiếc váy sặc sỡ với họa tiết cực kỳ tinh xảo, khéo léo. Những cuộn vải rực rỡ dùng làm nguyên liệu may đai, thắt lưng hoặc những đường diềm. Những gian hàng bán chỉ màu sặc sỡ đến chói mắt bởi hàng trăm cuộn chỉ được xổ tung ra để thu hút người mua...
Khi nắng lên đến đỉnh đầu thì chợ phiên Cán Cấu bắt đầu tan. Người ta thu dọn hàng hóa, đồ đạc chóng vánh, gọn ghẽ. Đến khoảng 13g chợ vãn, cả khu chợ mới cách đây vài giờ còn nhộn nhịp người mua kẻ bán giờ chỉ còn là một bãi đất trống im lặng trong ánh nắng trải đều trên những mái lá tơi tả và những bụi cỏ ven đường. Cán Cấu như một giấc mơ vừa đi qua, để ai một lần ghé đến thì hình ảnh và sắc màu của nó sẽ còn vương vấn mãi trong lòng...
Sạp bán món bánh đúc ngô quen thuộc của người Mông - Ảnh: Huỳnh Thu Dung
Các em bé bày bán những sản vật hái ở vườn nhà - Ảnh: H.T.D.
Bà mẹ trẻ xinh xắn địu con ra chợ - Ảnh: H.T.D.
Đưa gia súc đến bán ở chợ phiên - Ảnh: H.T.D.
Du khách nước ngoài ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ - Ảnh: H.T.D.
Ảnh: H.T.D.
Gian hàng của Giàng Thị Mây, cô gái Mông khoảng 20 tuổi, ở giữa trung tâm chợ. Vợ chồng Mây (ảnh) vừa cưới nhau được một năm. Những ngày không có phiên chợ, cô đến các bản làng mua hàng. Thứ bảy cô bán ở Cán Cấu, chủ nhật chở hàng đến Bắc Hà, thứ ba lại sang Cốc Lý.
Mây bảo một bộ trang phục phụ nữ Mông đẹp nhất phải mất đến sáu tháng, có khi nhiều hơn, để may thêu nên giá khá đắt, khoảng 500.000-600.000 đồng, chỉ riêng chiếc váy đã 200.000-300.000 đồng. Mỗi tháng vợ chồng Mây kiếm được khoảng 1.500.000 đồng, đủ để trang trải cuộc sống của đôi vợ chồng son chăm chỉ.
HUỲNH THU DUNG
Đăng nhận xét