Dù đang làm gì, ở đâu, tết vẫn là ngày ai cũng mong được ăn bữa cơm nóng nghi ngút khói cùng gia đình, quây quần bên ấm trà, hít hà bởi vị mứt gừng cay, thắp nén hương lên bàn thờ gia tiên và cầu nguyện cho gia đình, gia tộc những điều may mắn tốt lành. Tết, dù ở đâu người Việt cũng muốn về nhà...
Về quê
Chắc với người đàn ông ấy, quê hương là điều lớn lao da diết lắm, đến độ dù ở tuổi 63 nhưng sáu năm nay, năm nào ông cũng từ TP.HCM độc hành trên chiếc xe máy vượt 800km qua miền Tây nguyên để về quê nhà. Ông tên Châu Thanh Tài, quê ở Quảng Ngãi.
Chiều 23 tháng chạp, ông được công ty phát lương. Năm nay, con út của ông vừa ra trường nên “chỉ có năm nay mới mang được ít tiền về quê ăn tết như thế này”. Nhận lương xong ông dắt xe lên đường ngay trong buổi chiều
Chạy tới huyện Đắk Min (Đắk Nông) đã 2g sáng, ông ghé vào thăm con gái đang dạy học ở đây. “Không có niềm hạnh phúc nào sánh bằng được gặp con và thấy con cái sống hạnh phúc” - ông bày tỏ. 6g sáng ông tạm biệt con gái và cháu ngoại lên đường
Vừa về đến nhà ông đã ra đồng giúp người vợ tảo tần, việc mà hơn 20 năm nay ông luôn mong ngóng được làm - Ảnh: Thuận Thắng
Năm nay căn nhà này sẽ ngập tràn hạnh phúc đoàn tụ. Người chồng, người cha này sẽ có cái tết sum vầy và nhẹ nhõm khi hơn 20 năm qua ông đã làm lụng vất vả nuôi các con ăn học thành người
Quà tết năm nay ông Tài mang về cho vợ là chiếc mũ bảo hiểm còn mới do một đồng nghiệp tặng làm kỷ niệm
Trong suốt cuộc hành trình, chúng tôi gặp nhiều người cũng chọn cách về quê như ông. Họ chịu nhiều rủi ro, trong đó dễ gặp nhất là bể bánh xe. Lần này người chịu rủi ro là ông. Ông phải dắt chiếc xe xẹp lốp một đoạn đường dốc dài đoạn giữa TP Pleiku (Gia Lai) và TP Kon Tum
Bữa ăn dọc đường của ông chỉ đạm bạc với chiếc bánh chưng và chai nước
Vào TP.HCM làm nghề phụ hồ từ năm 1989 để nuôi năm người con học đại học, số lần ông về quê sum họp với gia đình, số lần gặp người bạn đời tảo tần ở quê nhà chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Năm nay ông cũng về quê bằng xe máy, “vừa để tiết kiệm một khoản chi phí kha khá, vừa có thể ghé thăm người thân dọc đường đi” - ông nói.
Hành trình về quê của ông gian nan nhưng luôn kết thúc có hậu như cuộc đời ông: từ TP.HCM ông ngược lên quốc lộ 14 rồi xuôi quốc lộ 24 băng qua Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và xuôi về Quảng Ngãi.
Ở đó, có một căn nhà nhỏ và người vợ cùng các con bao năm ông nuôi ăn học nay đã trưởng thành đang chờ ông.
THUẬN THẮNG
Trùng phùng
Những ngày này, khắp nơi trên mọi miền đất nước, những người con xa quê náo nức về quê ăn tết. Ở nhà ga, bến tàu, đâu đâu cũng thấy giây phút trùng phùng cảm động.
Giây phút trùng phùng của mẹ con chị Minh Hiền (Quảng Ngãi). Minh Hiền là nhân viên của Saigon Co.op, cô làm việc ở TP.HCM và gửi con gái ở nhà cho ngoại. Một năm hai mẹ con được quấn quít với nhau trong vài ngày tết - Ảnh: Mai Vinh
Một Việt kiều Mỹ (phải) vui mừng, xúc động gặp lại người thân ở sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức
Mẹ ở lại Sài Gòn làm việc, cậu bé 8 tuổi này theo ông ngoại (ông Nguyễn Hữu Lợi, ở TP Cần Thơ) về quê đón tết. Hai ông cháu đang qua phà Hậu Giang - Ảnh: H.T.Vân
Lê Vinh Tùng, 21 tuổi, sinh viên năm 3 khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, trên đường về quê Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Quà tết Tùng mang về là một cành mai nhỏ (chụp tại ga Thanh Hóa trưa 9-2) - Ảnh: Đức Thảo
Ông Phạm Khanh ở thôn Bình Tây, xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) ôm hôn cháu nội là Phạm Tiến (4 tuổi). Ông từ TP.HCM vừa về đến bến xe Quảng Ngãi sáng 9-2 - Ảnh: Minh Thu
Người dân đi làm tại các tỉnh phía Nam về quê đón tết (ảnh chụp tại ga Thanh Hóa đêm 8-2) - Ảnh: Đức Thảo
Tuổi Trẻ
Đăng nhận xét