Khác với nhiều nơi trên dải đất hình chữ S, Tết và mùa xuân ở vùng núi cực Bắc Hà Giang dài hơn bởi thời tiết và phong tục của cộng đồng các dân tộc nơi đây…
Mùa xuân là mùa làm nương của người Mông
Miền núi đá thuộc các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc thuộc tỉnh cực Bắc Hà Giang từ ngàn đời nay vốn đã mang trong mình những điều bí ẩn và hôm nay đang đứng trước cơ hội trở thành công viên địa chất toàn cầu khi UNESCO Việt Nam vừa trình hồ sơ công nhận lên UNESCO quốc tế.
Mùa xuân ở vùng cực Bắc Tổ quốc đến sớm hơn các nơi khác vì đồng bào Mông, chiếm phần lớn trong dân số sẽ ăn Tết từ đầu tháng chạp. Họ thịt lợn, dê, tổ chức tiệc tùng tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, mỗi dòng họ, thời gian ăn Tết sẽ kéo dài khoảng một tuần. Dòng họ này gối vào dòng họ kia, rả rích một tháng thì hết.
Món ăn ưa thích của người Mông trong ngày Tết chính là thắng cố nấu bằng xương thịt trâu, ngựa. Ngày thường thì phải ra chợ mới có thắng cố. Tết đến, chảo thắng cố luôn sôi sùng sục trong bếp lửa người Mông.
Thắng cố nhắm với rượu ngô, thắng cố ăn cùng mèn mén. Chảo thắng cố không mấy xa lạ với những ai đã từng lên cao nguyên đá, nhưng mèn mén và bánh ngô thì không dễ gì thấy được vì đó không phải là món bày bán thường xuyên ở chợ.
Một phụ nữ Mông ở Phố Bảng (Đồng Văn) mời phóng viên uống rượu ngô, ăn mèn mén
Trong một gia đình Mông ở xã Pả Vi ngay gần thị trấn Mèo Vạc, tôi đã được ăn món mèn mén ngay khi nó vừa được dỡ trên bếp. Mèn mén làm bằng bột ngô đồ chín, sậm sật khi nhai trong miệng, nhưng nếu quen rồi sẽ cảm thấy vị bùi béo, thơm ngon.
Tết cũng là cơ hội để món bánh bột ngô bốc mùi thơm phức trên bếp than người Mông. Chúng tròn và to như chiếc đĩa khi nướng trên than củi, bánh ngô chắc nịch, bẻ ra ăn có vị chua chua ngọt ngọt.
Không chỉ ăn uống, người Mông còn thích đi chơi trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc mình. Mang theo khèn, kèn pí lè, đàn môi, họ đi chơi khắp các bản.
Cuối năm, đi trên con đường thăm thẳm của cao nguyên đá, rất dễ bắt gặp những nhóm người Mông đi chơi Tết, tiếng khèn xập xòe theo mỗi bước đi, họ len lỏi trên những vách núi để đến từng xóm bản giao lưu, tìm bạn.
Hoa tam giác mạch trái mùa nở ở xã Phố Cáo, Đồng Văn
Khác với người Mông, các dân tộc Tày, Dao, Lô Lô, Pu Péo ăn Tết Nguyên đán đúng ngày như người dưới xuôi. Người Pu Péo, một trong những dân tộc ít người nhất và chỉ sống ở Đồng Văn, rất quan tâm đến việc cúng trời đất.
Dân tộc Hán, tập trung ở các xã Phố Bảng, Phố Là (huyện Đồng Văn) lại hay đi đến nhà nhau để chúc tụng như người miền xuôi. Điều đặc biệt đối với vùng núi đá được coi như là nóc nhà Tổ quốc trên cực Bắc Hà Giang là vẻ đẹp tưng bừng khi các loài hoa mận, hoa đào, hoa cải cùng nở trên các triền núi.
Thật khó tả hết bằng lời trước sự hùng vĩ mà mùa xuân mang đến cho đất trời cực Bắc khi các loại hoa cùng nở rợp trời đến gần hết tháng giêng và mang đến cảm giác mùa xuân kéo dài hơn bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam.
Mùa xuân trên cao nguyên Đồng Văn với hoa đào, hoa cải nở vàng
Theo ông Sùng Đại Hùng, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn, năm nay, đồng bào các dân tộc huyện vùng cao cực Bắc rất phấn khởi khi hầu hết các xã trong huyện đều đã có bể treo.
Còn ông Nguyễn Văn Tuệ, nguyên Chủ tịch huyện Mèo Vạc thì cho biết, năm nay, người dân Mèo Vạc ăn Tết vui hơn vì thủy điện Nho Quế đang góp phần vào sự phát triển của địa phương.
Mèo Vạc cũng đã và đang giàu lên nhờ nghề nuôi bò thương phẩm, cộng với hai cửa khẩu quốc tế, đời sống của một trong hai huyện cực Bắc này đang ngày một thay da đổi thịt...
Mua giày đi chơi Tết ở chợ Đồng Văn
Hát karaoke bằng tiếng Mông ở chợ Mèo Vạc
Các bé gái ở xóm Lũng Cú, xã Lũng Cú, điểm cực Bắc Việt Nam
Thiếu úy Nguyễn Hữu Nam, cán bộ Đồn biên phòng Lũng Cú cùng con trai bên vườn hoa mận nở trắng
Các cô gái ở xã Sà Phìn, Đồng Văn đi gùi nước từ bể treo về nhà
Lưu Quang Phổ - Thanh Niên
(thực hiện)
Đăng nhận xét